Các đề tài tranh cử Bầu_cử_tổng_thống_Hoa_Kỳ_2020

Đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 là một đề tài lớn trong cuộc vận động, với cách ứng phó của Trump đã bị chỉ trích nặng nề. Tổng thống đã phát ra nhiều thông điệp với nội dung trái ngược nhau liên quan đến việc có nên mang khẩu trang để bảo vệ hay không, trong đó ông đã chỉ trích việc Biden và các phóng viên mang khẩu trang, nhưng cũng có đôi lúc khuyến khích người dân mang khẩu trang.[311] Trong cuộc vận động, Trump đã tổ chức nhiều sự kiện khắp nước, kể cả tại nhiều điểm nóng của đại dịch, trong đó những người tham gia không mang khẩu trang và không cách ly xã hội; cũng lúc, ông đã chế nhạo những người mang khẩu trang.[312][313][314]

Biden đã kêu gọi tăng cường cấp quỹ chính phủ liên bang, kể cả dưới Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, để xét nghiệm, mua trang bị bảo vệ cá nhân (PPE), và nghiên cứu.[315] Trump cũng đã kích hoạt đạo luật này nhưng với diện hẹp hơn để quản lý phân phối khẩu trang và máy trợ thở,[316] nhưng phương án đối phó của ông phần lớn mong chờ vào một vắc-xin được phát hành trước cuối năm 2020.[315] Tại cuộc tranh luận thứ hai, Trump đã nói rằng Biden từng gọi ông là bài ngoại vì đã hạn chế các công dân nước ngoài đã đến thăm Trung Quốc nhập cảnh, nhưng Biden nói rõ rằng ông không phải nói đến quyết định này.[317]

Kinh tế

Trump kể công cho sự tăng trưởng đều đặn của nền kinh tế trong ba năm đầu nhiệm kỳ mình, với thị trường chứng khoán trong giai đoạn tăng trưởng lâu dài nhất trong lịch sử, và nạn thất nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm. Ông cũng khoe về sự hồi phục kinh tế trong quý 3 năm 2020, khi mà GDP tăng trưởng 33,1% khi quy ra tỷ lệ hàng năm, cho rằng đó là bằng chứng về năng lực của mình.[318] Biden đáp trả lại rằng nền kinh tế mà Trump tận hưởng dưới nhiệm kỳ của mình là do ông thừa hưởng từ chính quyền Obama, và chính Trump đã làm xấu thêm tác động của đại dịch đến nền kinh tế, khiến 42 triệu người Mỹ phải xin trợ cấp thất nghiệp.[319]

Đạo luật Giảm thuế và Công việc 2017 đã hạ thấp mức thuế thu nhập cho hầu hết người Mỹ, và cũng hạ thấp tỷ lệ thuế công ty từ 35% xuống thành 21%, là một phần quan trọng của chính sách kinh tế của Trump. Biden và Đảng Dân chủ miêu tả việc giảm thuế này là bất công, chỉ làm lợi chủ yếu thành phần thượng lưu. Biden đưa ra kế hoạch tăng thuế công ty và những cá nhân có thu nhập cao hơn $400,000 mỗi năm, trong khi duy trì tỷ lệ thuế thấp cho những người có thu nhập thấp, và tăng thuế lợi tức lên mức tối đa là 39,6%. Đáp lại, Trump nói rằng kế hoạch của Biden sẽ phá hủy các tài khoản hưu trí và thị trường chứng khoán.[320]

Môi trường

Trump và Biden có những khác biệt sâu sắc về chính sách môi trường. Có lúc Trump từng cho rằng biến đổi khí hậu là trò lừa bịp, nhưng cũng có lúc cho rằng nó là đề tài nghiêm túc.[321] Trump đã lên án Thỏa thuận chung Paris về các biện pháp giảm khí nhà kính, và đã bắt đầu thủ tục rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận này. Biden thì dự tính sẽ gia nhập lại, và cũng đã công bố một dự án hành động khí hậu trị giá 2 ngàn tỷ đô la. Tuy nhiên, Biden không tán thành đề xuất Green New Deal, một chính sách khí hậu cấp tiến của Sanders và các chính khách cánh tả khác. Biden cũng không có dự định cấm thủy lực cắt phá hoàn toàn, mà chỉ cấm các dự án mới trong đất do chính phủ liên bang sở hữu; nhưng trong một cuộc tranh luận Trump đã cho rằng Biden sẽ cấm luôn. Các chính sách về môi trường của Trump gồm có loại bỏ các tiêu chuẩn thải chất methan, và mở rộng khai mỏ.[322]

Chăm sóc y tế

Chăm sóc y tế là một vấn đề gây tranh cãi trong cuộc bầu cử sơ bộ trong Đảng Dân chủ và trong cuộc tổng tuyển cử. Trong khi Biden và một số ứng cử viên khác hứa hẹn bảo vệ Đạo luật ACA, phe cấp tiến trong đảng kêu gọi thay thế ngành bảo hiểm y tế với một hệ thống Medicare cho mọi người. Dự án của Biden gồm có một lựa chọn công cộng trong hệ thống chăm sóc y tế Mỹ,[323] và cũng phục hồi đòi hỏi cá nhân phải mua bảo hiểm y tế đã bị đạo luật giảm thuế năm 2017 xóa sổ,[324] cũng như phục hồi trợ cấp chính phủ cho Tổ chức Kế hoạch hóa Gia đình. Trump đã tuyên bố ý định xóa sổ Đạo luật ACA, cho rằng nó "đắt tiền quá", nhưng không đưa ra giải pháp thay thế.[325] Vào thời điểm bầu cử, chính quyền Trump và các viên chức Cộng hòa từ 18 tiểu bang đã có một vụ kiện trước tòa án tối cao, thỉnh cầu tòa án bãi bỏ đạo luật này.[326]

Bất ổn chủng tộc

Biểu tình George FloydMinneapolis ngày 26 tháng 5

Sau cái chết của George Floyd và nhiều trường hợp cảnh sát bạo hành đối với người Mỹ gốc Phi khác, cũng với tác động đại dịch COVID-19, một loạt biểu tình và bất ổn chủng tộc diễn ra giữa năm 2020.[327] Nhiều cuộc biểu tình diễn ra, hầu hết trong ôn hòa, nhưng cũng có một số náo loạn và cướp của đã xảy ra. Trump và các đảng viên Cộng hòa đã gợi ý đưa quân đội vào để dẹp các cuộc biểu tình, nhưng đã bị chỉ trích, đặc biệt là từ phía Dân chủ, rằng hành động này nặng tay và có thể bất hợp pháp.[328] Một sự kiện cụ thể gây tranh cãi là khi Trump chụp hình trước một nhà thờ ở Washington, D.C., khu vực mà cảnh sát quân đội đã dẹp bỏ những người biểu tình ôn hòa trước đó.[324] Biden đã lên án Trump về hành động này đối với người biểu tình; ông miêu tả lời nói của George Floyd "Tôi không thở được" là "lời kêu gọi thức tỉnh của quốc gia chúng ta". Ông hứa hẹn sẽ tạo ra một ủy ban giám sát cảnh sát trong 100 ngày đầu tiên sau nhậm chức, và thành lập một quy chuẩn về cách sử dụng bạo lực, cũng như nhiều biện pháp cải cách khác.[329]